TS. Lê Thị Thùy Vân1
Viện Chiến lược và Chính sách tài chính – Bộ Tài chính
Bạn đang xem: Từ 10 Tỷ USD đến Con Số 0, Quỹ Đầu Cơ Cá Nhân Lớn Nhất Thế Giới Sup đo Ra Sao?
Thị trường tài chính (TTTC) có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, cần phải có một TTTC ổn định, hiệu quả, có thể thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước phục vụ cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là đánh giá được mức độ phát triển của TTTC, xác định được khoảng cách so với các nước trong khu vực và nhận diện những rủi ro thách thức để có giải pháp phát triển phù hợp. Bài viết phân tích khung lý thuyết về phát triển tài chính qua cách tiếp cận của các học giả trên thế giới và các chỉ số định lượng đánh giá sự phát triển của TTTC như bộ chỉ số của Hartmann et al. (2007), bộ chỉ số phát triển tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế – IMF (2015)… Trên cơ sở đó vận dụng đánh giá và nhận diện những rủi ro cần được tập trung xử lý nhằm phát triển bền vững TTTC Việt Nam.
1. Phương pháp và các chỉ số đánh giá sự phát triển của thị trường tài chính
Có nhiều định nghĩa khác nhau về sự phát triển tài chính, từ đó hình thành các cách tiếp cận khác nhau khi đánh giá hiện trạng, sự phát triển của hệ thống tài chính nói chung và của TTTC nói riêng. Levine (2005) định nghĩa, sự phát triển tài chính là sự cải thiện của hệ thống tài chính trong việc thực hiện các chức năng bao gồm: (i) Tích lũy tiết kiệm; (ii) Phân bổ vốn cho đầu tư sản xuất; (iii) Giám sát các khoản đầu tư; (iv) Phân tán rủi ro; (v) Trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Về mặt lý thuyết, tồn tại mối quan hệ tích cực giữa mức độ phát triển và hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính (Greenwoord and Jovanovic, 1990). Các nghiên cứu thực nghiệm dựa trên lý thuyết này thường sử dụng chỉ tiêu quy mô thị trường là yếu tố quyết định trọng yếu tới sự phát triển tài chính.
Theo cách tiếp cận thứ hai, phát triển tài chính được coi là sự kết hợp của nhiều nhân tố khác nhau. Hartmann et al. (2007) định nghĩa, sự phát triển tài chính là một quá trình đổi mới tài chính và cải thiện thể chế cũng như tổ chức trong hệ thống tài chính, làm giảm thông tin bất đối xứng, hoàn thiện các chức năng của các thị trường và tăng khả năng ký kết hợp đồng, giảm chi phí giao dịch và tăng cạnh tranh.
Theo cách tiếp cận thứ ba, Svirydzenka (2016) định nghĩa, sự phát triển tài chính là sự kết hợp chiều sâu của thị trường (bao gồm quy mô và tính thanh khoản), khả năng tiếp cận thị trường (bao gồm khả năng mà các cá nhân và tổ chức tiếp cận các dịch vụ tài chính) và hiệu suất (bao gồm khả năng các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính với chi phí thấp nhưng thu nhập bền vững và mức độ hoạt động của các thị trường vốn). Cách tiếp cận đa phần này dựa trên ma trận đặc điểm của hệ thống tài chính được đưa ra bởi Čihák et al. (2012). Theo đó cần phải xây dựng một bộ chỉ số có tính đến các mặt tác động khác nhau tới sự phát triển của TTTC để phản ánh đầy đủ bản chất và đánh giá được sự phát triển của thị trường. Các nhà nghiên cứu sử dụng các nhóm chỉ số định lượng sau.
a. Bộ chỉ số của Levine và các cộng sự
Nghiên cứu của Levine và Zervos (1998) đưa ra bộ chỉ số cơ bản đánh giá sự phát triển của TTTC thông qua quy mô, tính thanh khoản, mức độ biến động cũng như mức độ hội nhập của TTTC trong mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế. Kết quả nghiên cứu của Korajczyk (1995), Ash Demirguc-Khung và Ross Levine (1995), Levine và Zervos (1998) đã thiết lập chỉ số tổng hợp xác định mức độ phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) dựa trên 06 chỉ số sau:
(1) Chỉ số quy mô thị trường bao gồm tỷ lệ vốn hóa thị trường so với GDP và số lượng các công ty niêm yết. Vốn hóa thị trường được định nghĩa là giá trị thị trường bình quân tại hai thời điểm cuối năm và đầu năm của tất cả chứng khoán niêm yết trên thị trường trên tổng GDP năm đó.
Cách đo lường này được sử dụng trong nhiều nghiên cứu thực nghiệm về phát triển tài chính và tỷ lệ vốn hóa được sử dụng làm yếu tố đại diện cho sự phát triển thị trường.
(2) Chỉ số về tính thanh khoản của thị trường bao gồm tỷ lệ tổng giá trị giao dịch trên GDP và hệ số vòng quay (tỷ lệ tổng giá trị giao dịch trên vốn hóa thị trường). Trong đó, hệ số vòng quay được xác định bằng tổng giá trị cổ phiếu giao dịch trong kỳ/giá trị vốn hóa bình quân của cả thị trường trong kỳ.
(3) Chỉ số về mức biến động của thị trường là độ lệch chuẩn của chỉ số thị trường tính trong 12 tháng gần nhất.
(4) Chỉ số về mức độ tập trung hóa của thị trường được xác định bằng tỷ lệ giữa tổng giá trị vốn hóa của 10 loại cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất trên tổng giá trị vốn hóa toàn TTCK.
(5) Chỉ số về mức độ hội nhập được xác định dựa trên mức chênh lệch giữa giá trị thực tế và giá trị lý thuyết của tài sản theo hai mô hình định giá: Mô hình định giá trong điều kiện không có chênh lệch giá (mô hình APT) và mô hình định giá tài sản vốn trong điều kiện hội nhập (mô hình ICAPM).
(6) Nhóm các chỉ số về mức độ quản lý và thể chế thị trường được xây dựng bởi Tập toàn Tài chính quốc tế IFC của Ngân hàng Thế giới (WB), bao gồm 07 chỉ tiêu đánh giá, cụ thể: (i) Về mức độ đầy đủ đối với nội dung thông tin về doanh thu và lợi nhuận phải công bố theo quy định của pháp luật (thang điểm là 0 hoặc 1); (ii) Về sự phù hợp chuẩn mực kế toán trong nước đối với chuẩn mực kế toán quốc tế (thang điểm là 0, 1 hoặc 2); (iii) Về mức độ bảo vệ nhà đầu tư của các quy định pháp lý (thang điểm là 0, 1 hoặc 2); (iv) Về việc thị trường có được quản lý hay có cơ quan quản lý chuyên ngành không; (v) Ba chỉ tiêu tiếp theo liên quan tới việc đánh giá cơ chế kiểm soát tài khoản vốn; chuyển lợi nhuận, vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và việc đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (thang điểm là 0, 1 hoặc 2).
Tương tự, Garcia và Liu (1999) đánh giá sự phát triển của TTCK thông qua các chỉ tiêu về quy mô thị trường, tính thanh khoản, mức độ biến động, mức độ tập trung, mức độ hội nhập với thị trường vốn quốc tế và các quy định pháp luật trên thị trường; đồng thời sử dụng vốn hóa thị trường để đo lường sự phát triển của TTCK dựa trên quan điểm cho rằng chỉ số này phù hợp và ít bị áp đặt hơn so với các chỉ số đơn lẻ khác.
b. Bộ chỉ số của Hartmann et al. (2007)
Hartmann et al. (2007) xây dựng nhóm 08 chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá sự phát triển tài chính của một số nước châu Âu, bao gồm: (1) Quy mô thị trường vốn và hệ thống tài chính; (2) Đổi mới tài chính và hoàn thiện thị trường; (3) Tính minh bạch và thông tin; (4) Quản trị doanh nghiệp; (5) Hệ thống pháp luật; (6) Quy định tài chính, giám sát và ổn định tài chính; (7) Cạnh tranh, sự cởi mở và hội nhập tài chính; (8) Tự do kinh tế và các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị. Trong các chỉ tiêu tổng quát trên, chỉ tiêu về quy mô thị trường, tính minh bạch và thông tin có liên quan trực tiếp tới sự phát triển và hiệu quả hoạt động của TTTC. Chỉ tiêu đo lường tính minh bạch và thông tin bao gồm độ phân tán của các dự báo và định giá thông tin doanh nghiệp. Định giá thông tin doanh nghiệp là giá trị R2 của kết quả hồi quy giá cổ phiếu trên các biến số là các yếu tố thị trường. Các quốc gia có TTTC kém phát triển và các công ty hoạt động kém hiệu quả hơn thường có hệ số R2 cao hơn (Durnev et al., 2003; Morck et al., 2000).
Ưu điểm của bộ chỉ số tổng hợp của Hartmann et al. (2007) là cung cấp thông tin tổng quan về hệ thống tài chính, có thể tham khảo được các đánh giá chỉ tiêu từ các nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên có những thông tin khó thu thập đầy đủ và đưa ra đo lường, đánh giá như đổi mới tài chính, hoặc có những luật không chính thức khó định giá mà chỉ có thể nhận xét về tác động. Sự không đồng đều về chất lượng và khung thời gian của các dữ liệu liên quan giữa các chỉ tiêu cũng là một nhược điểm khi đánh giá theo bộ chỉ tiêu tổng hợp.
c. Bộ chỉ số phát triển tài chính của IMF (2015)
Các nghiên cứu thực nghiệm thường sử dụng một trong hai chỉ số đo lường độ sâu tài chính (tỷ lệ tín dụng tư nhân/GDP; tỷ lệ vốn hóa thị trường/GDP) để phản ánh tình trạng phát triển tài chính, tuy nhiên, hai chỉ số này không tính đến bản chất đa diện phức tạp của sự phát triển tài chính. Vì vậy, nhóm chuyên gia của IMF (2015)2 đã xây dựng một bộ chỉ số tổng quát (FD Index) cho phát triển tài chính gồm 09 chỉ số khái quát về ba khía cạnh của các trung gian tài chính (FI) và thị trường tài chính (FM) là độ sâu (FID), khả năng tiếp cận (FIA) và tính hiệu quả (FIE). Bộ chỉ số được áp dụng cho 183 quốc gia trong gian đoạn 1980 – 2013, cung cấp công cụ phân tích hữu ích cho các nhà nghiên cứu và các nhà làm chính sách.
Bảng 1. Các chỉ số phản ánh sự phát triển của TTTC
Nguồn: IMF, 2015
Các chỉ số phát triển TTTC của IMF (2015) tập trung vào sự phát triển của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu.
(1) Độ sâu của thị trường bao gồm chỉ tiêu về quy mô thị trường cổ phiếu (giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu) và hoạt động của thị trường thể hiện qua: Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu/GDP; giá trị cổ phiếu giao dịch/GDP; trái phiếu chính phủ phát hành trên thị trường quốc tế/GDP; trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước và quốc tế.
(2) Khả năng tiếp cận TTTC được xác định thông qua tỷ trọng vốn hóa thị trường của 10 công ty lớn nhất trên thị trường cổ phiếu. Mức độ tập trung thị trường cổ phiếu cao phản ánh việc khó gia nhập thị trường đối với các tổ chức phát hành mới. Đối với thị trường trái phiếu, tỷ lệ số lượng tổ chức phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế trong năm/100.000 người trưởng thành được sử dụng để đo lường mức độ tiếp cận thị trường. Biến số này phản ánh số lượng các tổ chức phát hành khác nhau, do đó những tổ chức phát hành nhiều lần trong năm cũng chỉ tính một lần.
(3) Hiệu quả của TTTC được phản ánh thông qua hệ số vòng quay TTCK (giá trị cổ phiếu giao dịch/giá trị vốn hóa thị trường). Tỷ lệ doanh thu cao biểu hiện mức độ thanh khoản cao và hiệu suất hoạt động tốt hơn của thị trường. Đối với thị trường trái phiếu, biến số thường được sử dụng là mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán.
Xem thêm : Loài Hoa Tượng Trưng Cho Sự Tuyệt Vọng
Nhìn chung, bộ chỉ số này chỉ tập trung vào các yếu tố chính của TTTC bao gồm độ sâu, khả năng tiếp cận và hiệu quả, do đó đã bỏ qua một số biến số khác, ví dụ như những biến số mang tính định hướng thị trường như môi trường pháp lý, quy định và điều luật, mức độ ổn định của hệ thống tài chính.
2. Đánh giá sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam
a. Đánh giá chỉ số phát triển tài chính tổng quát
Theo tính toán của IMF, chỉ số phát triển tài chính tổng quát FD Index của Việt Nam ở mức 0,236 điểm, xếp vị trí 95/183 nước trên thế giới, thuộc nhóm các nước có chỉ số phát triển TTTC thấp (cùng với các nước Mông Cổ, Bangladesh, Kenya, Nicaragua, Uganda), cao hơn một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar, tuy nhiên thấp hơn nhiều so với các nước tương đồng trong khu vực châu Á (Philippines 0,365 điểm – 56/183; Trung Quốc 0,572 điểm – 33/183; Thái Lan 0,645 điểm – 26/183; Malaysia 0,685 điểm – 21/183). Đặc biệt, chỉ số này ở các nước phát triển trong khu vực (Singapore 0,731 điểm – 16/183; Nhật Bản 0,827 điểm – 8/183; Hàn Quốc 0,854 điểm – 6/183) cao hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Sự phát triển của TTTC trong những năm gần đây ngày càng đa dạng và phức tạp hơn theo hướng tự do hóa và hội nhập. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong thị trường ngày càng gia tăng trong bối cảnh các công cụ và nghiệp vụ giao dịch trên TTTC ngày càng đa dạng; giá hàng hóa về cơ bản được hình thành trên cơ sở quan hệ cung, cầu. Đây là những nhân tố tích cực hỗ trợ cho chỉ số phát triển tài chính của Việt Nam trong giai đoạn 2006 – 2015.
Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng và TTTC Việt Nam phát triển chưa đủ mạnh so với các nước trong khu vực, trong đó hai điểm nghẽn chính là môi trường kinh doanh và thể chế. Hệ thống ngân hàng Việt Nam mặc dù đã có sự tăng trưởng về lượng, nhưng mức độ ổn định hệ thống còn thấp do quy mô vốn nhỏ lẻ, chất lượng tín dụng và đảm bảo rủi ro tín dụng còn nhiều bất cập, rủi ro thanh khoản cao. Trong khi đó, nợ xấu vẫn tiếp tục là thách thức không nhỏ đối với nỗ lực làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại, đe dọa sự phát triển bền vững và làm tăng rủi ro của hệ thống tài chính.
Hình 1. FD Index của Việt Nam trong mối tương quan với các nước
Đơn vị: Điểm
Nguồn: IMF
b. Đánh giá các chỉ số thành phần
Chỉ số thành phần TTTC của Việt Nam ở mức 0,103 điểm, chỉ cao hơn Lào, Campuchia và thấp hơn các nước còn lại trong khu vực như: Indonesia (0,259); Philippines (0,381); Malaysia (0,617); Thái Lan (0,612); Singapore (0,695); Trung Quốc (0,747). Chỉ số thành phần các trung gian tài chính của Việt Nam tốt hơn chỉ số TTTC và cho thấy sự phát triển cao hơn Lào, Campuchia và Indonesia, tuy nhiên thấp hơn các nước khác trong khu vực (Malaysia, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc…).
Hình 2. Các chỉ số thành phần TTTC Việt Nam và các nước
Đơn vị: Điểm
Nguồn: IMF, 2015
Ngoài ra, đánh giá độ sâu, khả năng tiếp cận và tính hiệu quả của TTTC Việt Nam trong mối tương quan với các nước có thể rút ra một số nhận xét sau:
Xét về độ sâu, chỉ số thành phần TTTC của Việt Nam có độ sâu là 0,165 điểm, vị trí 71/183, chỉ cao hơn Campuchia và thấp hơn các nước khác trong khu vực (Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore, Trung Quốc). Quy mô TTTC của Việt Nam mặc dù đã từng bước được mở rộng, tăng từ 88% GDP (năm 2006) lên gần 180% GDP (cuối năm 2016), tuy nhiên vẫn thấp so với một số nước trong khu vực như Malaysia (360% GDP); Singapore (462% GDP).
Hình 3. Độ sâu, khả năng tiếp cận và tính hiệu quả của TTTC Việt Nam
Đơn vị: Điểm
Nguồn: IMF, 2015
Xét về khả năng tiếp cận, chỉ số thành phần TTTC của Việt Nam rất thấp (0,001 điểm), thấp nhất so với các nước trong khu vực (Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Singapore, Trung Quốc). Ngoài ra, so với Hàn Quốc có thể thấy, mặc dù hai quốc gia có cùng độ sâu ngân hàng (dựa trên tỷ lệ tín dụng/GDP) ở mức khoảng 100%, tuy nhiên việc sử dụng tài khoản ngân hàng lại khác biệt rõ rệt, trong khi ở Hàn Quốc tài khoản ngân hàng được sử dụng hầu như phổ cập, thì ở Việt Nam chỉ ¼ người lớn có tài khoản ngân hàng. Hơn nữa, điểm đặc trưng quan trọng của các hệ thống tài chính là tính hiệu quả, các thị trường có thể cùng quy mô và độ lớn nhưng sự đóng góp của hệ thống tài chính đối với phát triển kinh tế sẽ bị giới hạn nếu các nguồn lực được sử dụng lãng phí và không hiệu quả.
Xét về tính hiệu quả, chỉ số thành phần TTTC của Việt Nam là 0,125 điểm, xếp vị trí 51/183, có hiệu quả thấp hơn chỉ số trung gian tài chính (0,684 điểm; vị trí 28/183) và thấp nhất so với các nước trong khu vực. Hiệu quả TTTC được phản ánh thông qua hệ số vòng quay TTCK. Hệ số này của Việt Nam cao hơn Indonesia và Philippines trong giai đoạn 2006 – 2014, tuy nhiên thấp hơn các nước Trung Quốc, Hàn Quốc… cho thấy mức độ thanh khoản và hiệu suất hoạt động của TTTC Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực.
Hình 4. Hệ số vòng quay TTCK của Việt Nam và các nước khu vực
Đơn vị: Lần
Nguồn: WB
3. Nhận diện rủi ro đối với sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam
Thị trường tài chính có quy mô nhỏ so với các nước trong khu vực, phát triển thiếu ổn định, dẫn tới nhiều giai đoạn biến động mạnh.
Xem thêm : Hướng dẫn những cách lật ảnh trong Photoshop
Độ sâu và quy mô của TTCK Việt Nam đã phát triển khá nhanh khi giá trị vốn hóa thị trường tăng hơn 6 lần trong 11 năm (2006 – 2016) và đạt trên 70% GDP vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu của Việt Nam ở mức thấp (45,5% GDP) so với các nước trong khu vực như Thái Lan (104% GDP), Hong Kong (136% GDP) và Singapore (227% GDP); độ sâu của thị trường cũng ở mức thấp; thị trường phát triển thiếu tính ổn định, dễ bị tác động bởi những diễn biến tiêu cực trong và ngoài nước như giá dầu, tỷ giá, biến động trên TTTC – tiền tệ quốc tế. Bên cạnh đó, khối nhà đầu tư nước ngoài có sự ảnh hưởng lớn tới TTCK Việt Nam khi hoạt động giao dịch (mua/bán ròng) và cơ cấu danh mục đầu tư của khối ngoại đều có thể dẫn dắt thị trường tăng/giảm điểm trong thời gian ngắn.
Thị trường trái phiếu đang phát triển tuy nhiên thiếu tính bền vững, thể hiện: (i) Cơ cấu dư nợ thị trường chưa cân bằng. Trái phiếu chính phủ chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70% tổng dư nợ thị trường) so với các loại trái phiếu khác như trái phiếu chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và đặc biệt thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn khởi đầu; (ii) Cơ cấu kỳ hạn bất hợp lý. Trái phiếu chính phủ của Việt Nam chủ yếu tập trung ở kỳ hạn dưới 5 năm (trên 80%), trong khi các nước trong khu vực tập trung phát hành nhiều ở kỳ hạn 5 – 10 năm và trên 10 năm (tỷ trọng của hai kỳ hạn này ở Singapore là 58%; Philippines 65%; Malaysia 48%; Indonesia 72%). Thực tiễn thế giới cho thấy, quốc gia nào có cơ cấu kỳ hạn trái phiếu càng dài thì tính triển vọng và đánh giá xếp hạng tín nhiệm càng cao, bởi các nhà đầu tư nhìn thấy tính ổn định và tiềm năng phát triển kinh tế trong tương lai của quốc gia đó. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do đặc thù của thị trường trái phiếu là phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn vốn từ ngân hàng, chủ yếu là nguồn huy động ngắn hạn từ dân cư và tổ chức, do đó cần phải giải quyết việc mất cân đối kỳ hạn để đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với nhiều tổ chức tài chính nước ngoài, nhưng quy mô còn nhỏ. Đóng góp của ngành bảo hiểm Việt Nam vào GDP mới đạt xấp xỉ 2% vào năm 2015, thấp hơn so với mức trung bình của thế giới3. Phí bảo hiểm bình quân của người dân Việt Nam ở mức 17 – 18 USD/năm (tính đến cuối năm 2014), trong khi tại những quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản là 3.600 – 3.700USD/năm. Số lượng doanh nghiệp bảo hiểm gia tăng đã làm tăng áp lực về thị phần, doanh thu, gây nên hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và trong nội bộ từng doanh nghiệp cũng xảy ra tình trạng cạnh tranh về nguồn nhân lực, mức phí, sản phẩm. Thị trường tái bảo hiểm trong nước vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài.
Thị trường tín dụng – ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh về quy mô, với tỷ lệ dư nợ tín dụng ngân hàng/GDP tăng 2 lần, từ 56,8% GDP (năm 2008) lên 111% GDP (2015) và tiếp tục là thị trường chủ đạo trong hệ thống tài chính dựa vào ngân hàng như Việt Nam. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, quy mô thị trường tiền tệ – ngân hàng của Việt Nam còn nhỏ. Tỷ lệ tín dụng tư nhân/GDP của Việt Nam thấp hơn Malaysia và Singapore khoảng 20 – 30 điểm phần trăm; chỉ tiêu số lượng máy ATM/100.000 người lớn thấp (24 máy ATM/100.000 người lớn) so với các nước trong khu vực (59 ở Singapore; 52 ở Malaysia và 50 ở Indonesia), cho thấy khả năng tiếp cận thị trường tiền tệ – ngân hàng ở Việt Nam tương đối thấp.
Hình 5. Một số chỉ tiêu về quy mô thị trường tiền tệ ngân hàng Việt Nam so với các nước trong khu vực
Nguồn: WB
Thị trường tài chính phụ thuộc nhiều vào thị trường tiền tệ – ngân hàng trong khi khu vực này đang phải gánh nhiều rủi ro, tính thanh khoản hệ thống chưa ổn định.
Là một nước chuyển đổi và đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, hệ thống tài chính Việt Nam vẫn phụ thuộc vào khu vực ngân hàng, hay nói cách khác, khu vực ngân hàng vẫn được xem là chủ đạo trong hệ thống tài chính khi chiếm tới 200% GDP và 92% tài sản của cả hệ thống tài chính4. Nguồn vốn huy động qua hệ thống ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chủ yếu, góp phần vào mức tăng trưởng đầu tư toàn xã hội và tăng trưởng kinh tế.
Thị trường tiền tệ – ngân hàng phát triển thiếu tính ổn định, nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn và không kỳ hạn. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng mặc dù tăng cao trong 10 năm qua nhưng cũng chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp, trong đó 80% vốn vay ngân hàng là vốn ngắn hạn. Chất lượng tín dụng chưa được đảm bảo khi rủi ro nợ xấu chưa được xử lý triệt để; chế độ báo cáo tài chính và công khai báo cáo của các tổ chức tín dụng trong nước còn cách xa so với các chuẩn mực quốc tế nên khó đánh giá chính xác và minh bạch về sự lành mạnh của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, tỷ lệ tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng/GDP (đạt 1,74 lần năm 2015) cao hơn nhiều so với các nước có trình độ phát triển tương đương trong khu vực, cho thấy khi khu vực ngân hàng không thực hiện tốt chức năng dẫn vốn thì nền kinh tế tất yếu sẽ bị suy giảm mạnh và ngược lại, hệ thống ngân hàng dễ bị tổn thương khi kinh tế vĩ mô bất ổn. Trong danh mục tài sản của các ngân hàng, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là hoạt động tín dụng.
Năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và tài chính của các trung gian tài chính còn hạn chế nên dễ bị tổn thương trước những biến động và cú sốc thị trường.
Quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro yếu kém tại các trung gian tài chính, đặc biệt là tại các định chế tài chính quan trọng với hệ thống tài chính (SIFIs), là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đây cũng là rủi ro tiềm ẩn đối với các trung gian tài chính của Việt Nam nói riêng và hệ thống tài chính quốc gia nói chung (từ các ngân hàng thương mại, các công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư đến các công ty bảo hiểm). Trong đó, việc thiếu một đội ngũ nhân lực chất lượng cao cũng như công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) chưa được chú trọng đúng mức là những nguyên nhân cơ bản làm hạn chế năng lực quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro của doanh nghiệp, dẫn tới nhiều bất cập trong hoạt động của các trung gian tài chính, khiến các tổ chức này dễ bị tổn thương trước những biến động và cú sốc của thị trường, đặc biệt kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
So với các nước trong khu vực, quy mô của các ngân hàng thương mại trong nước còn quá nhỏ. Trong hệ thống, Vietinbank có vốn điều lệ cao nhất với hơn 41.000 tỷ đồng (tương đương gần 1,8 tỷ USD) sau khi sáp nhập PGBank. Tiếp đến là BIDV với vốn điều lệ tăng lên 34.000 tỷ đồng sau khi nhận sáp nhập MHB. Agribank có vốn điều lệ hơn 29.600 tỷ đồng và Vietcombank có vốn hơn 26.600 tỷ đồng. Như vậy, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Việt Nam khoảng 133 triệu USD – 1,8 tỷ USD (tính đến cuối năm 2015), thấp hơn rất nhiều so với các ngân hàng thương mại trong khu vực (Ngân hàng Mitsubishi UFJ là 1.770 tỷ USD, Ngân hàng United Overseas Bank của Singapore 13,4 tỷ SGD…). Xét về tổng tài sản, một số ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam có tổng tài sản dao động trong khoảng 25 – 30 tỷ USD (cuối năm 2014), bằng 1/10 quy mô tài sản Ngân hàng UOB Singapore (306 tỷ USD), 1/5 quy mô tài sản Ngân hàng Maybank Malaysia (146 tỷ USD) và bằng 1/3 quy mô tài sản Ngân hàng Kasikorn Thái Lan (72,5 tỷ USD), Ngân hàng Bank Berhad Malaysia (78 tỷ USD).
Cơ sở hạ tầng tài chính còn tồn tại một số bất cập, chưa hỗ trợ hiệu quả cho sự an toàn và lành mạnh của các trung gian tài chính.
Cơ sở hạ tầng tài chính còn nhiều bất cập, thể hiện chủ yếu ở hai khía cạnh cơ bản là: (i) Môi trường pháp lý cho hoạt động của các trung gian tài chính còn thiếu đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, chưa khuyến khích thị trường phát triển toàn diện. TTCK thiếu cơ chế, chính sách về thuế, cơ chế tài chính và chuẩn mực kế toán. Thể chế tài chính liên quan đến TTCK, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa tạo động lực cho các thị trường này phát triển; thể chế đối với TTCK phái sinh vẫn đang trong quá trình hình thành. Thị trường bảo hiểm thiếu các cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản phẩm bảo hiểm để lấp đầy các mảng thị trường còn bỏ ngỏ; thị trường sản phẩm hưu trí tự nguyện bổ sung, bảo hiểm nông nghiệp, ngư nghiệp còn sơ khai…; (ii) Mức độ áp dụng công nghệ thông tin của hệ thống tài chính còn thấp và có khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, chưa theo kịp với những đòi hỏi của thực tế ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
Rủi ro xuất hiện mang tính hệ thống từ sự liên thông giữa các bộ phận của TTTC.
Cùng với sự phát triển của các trung gian tài chính, TTTC Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều các tập đoàn tài chính gắn liền với các hoạt động ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm, dẫn đến xu hướng tất yếu là sự liên thông giữa thị trường ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm ở Việt Nam do sự vận chuyển của các dòng vốn giữa các thị trường và các rủi ro mang tính hệ thống. Hoạt động tập đoàn tài chính có những rủi ro đặc thù cần đặc biệt chú ý: (i) Rủi ro giao dịch nội bộ do cơ cấu sở hữu phức tạp, sản phẩm dịch vụ đa dạng và một số thành viên của tập đoàn tài chính không thuộc đối tượng thanh tra, giám sát chuyên ngành nên khó phát hiện nhiều giao dịch nội bộ có rủi ro; (ii) Rủi ro sở hữu do sở hữu chéo phức tạp, cơ cấu sở hữu dạng kim tự tháp nên khả năng tập đoàn tài chính bị “thôn tính” cao hơn; (iii) Rủi ro xung đột lợi ích xảy ra đối với khách hàng khi được tư vấn lựa chọn sản phẩm, dịch vụ bị giới hạn từ các thành viên thuộc tập đoàn; (iv) Rủi ro quản trị. Bên cạnh đó, các tập đoàn tài chính lợi dụng “lỗ hổng pháp lý” về thanh tra, giám sát để tìm cách “lách” những quy định hiện hành, lựa chọn cơ cấu sở hữu phức tạp gây trở ngại cho hoạt động giám sát của cơ quan chức năng; các công ty con, công ty liên kết của tập đoàn tài chính tham gia vào các hoạt động “ngân hàng ngầm” với các hình thức cho vay đa dạng như mua trái phiếu, đầu tư cổ phiếu vào tài sản bảo đảm đã được chứng khoán hóa, chứng khoán phái sinh, bảo lãnh tín dụng dưới nhiều hình thức. Các hoạt động này không bị quản lý, kiểm tra, giám sát bởi những quy định về hoạt động ngân hàng truyền thống, do đó rủi ro “chuyển giao kỳ hạn và thanh khoản”, “rút vốn ồ ạt” từ các hoạt động “ngân hàng ngầm” có thể tác động tiêu cực, dẫn đến sự sụp đổ khu vực ngân hàng truyền thống. Đặc biệt, rủi ro hệ thống sẽ càng nguy hiểm khi TTTC Việt Nam phát triển hơn với đầy đủ các sản phẩm tài chính như chứng khoán phái sinh, chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp (ABS), chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS), hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS).
Tài liệu tham khảo
1. Frederic S. Mishkin (2010), The Economics of Money, Banking and Financial Markets, The Business School Edition (2th Edition).
2. Hartmann, P., Heider, F., Papaioannou, E. and Duca, M. L. (2007), The Role of Financial Markets and Innovation in Productivity and Growth in Europe, Occational paper series, No. 72.
3. IMF (2014), Review of the Financial Sector Assessment Program: Further Adaptation to the Post Crisis Era, Washington.
4. Levine, R. (2002), Bank-based or Market-based Financial Systems: Which Is Better?, Journal of Financial Intermediation, 11, 1-30.
5. Levine, R. (2005), Finance and Growth: Theory, Evidence, and Mechanisms, in P. Aghion and S. Durlauf, (eds), The Handbook of Economic Growth (Amsterdam: North Holland).
6. Lê Thị Thùy Vân (2013), Tự do hóa tài khoản vốn ở Việt Nam: Những rủi ro và thách thức chính sách trong giai đoạn tới, Tạp chí Ngân hàng, tháng 8/2013.
7. Lê Thị Thùy Vân (2015), Ứng dụng mô hình cảnh báo sớm khủng hoảng tiền tệ tại Việt Nam, Sách Tài chính Việt Nam 2014 – 2015.
8. Lê Thị Thùy Vân (2015), Thị trường tài chính Việt Nam trước những biến động của thị trường tài chính thế giới, Tạp chí Tài chính, tháng 10/2015.
9. Lê Thị Thùy Vân (2016), Đánh giá hiện trạng thị trường tài chính Việt Nam và giải pháp đến năm 2020, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, năm 2016.
1 Trưởng ban Ban Phát triển thị trường tài chính.
2 IMF (2015), Rethinking Financial Deepening: Stability and Growth in Emerging Markets.
3 Mức trung bình của khối ASEAN là 3,35%, châu Á 5,37% và thế giới 6,3%.
4 Theo WB/IMF, 2013.
Nguồn: https://tipstech.vn
Danh mục: Tin Công Nghệ